Dự thảo Luật lao động sửa đổi: Tăng tuổi nghỉ hưu, tăng làm thêm giờ
Ngày 05/4/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo về những điểm mới trong Bộ luật Lao động sửa đổi.
1. Tăng tuổi nghỉ hưu
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐ, TB-XH đã công bố 02 phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam và nữ, bắt đầu từ năm 2021. Theo đó, tại phương án 1, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm ba tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Còn theo phương án 2, kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động tăng mỗi năm bốn tháng đối với nam và bốn tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ LĐ, TB-XH cho biết, hiện nay tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55. Tuy nhiên, nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời tận dụng tối đa nguồn nhân lực có kinh nghiệm, chất lượng để phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn Bộ LĐ, TB-XH đã đưa ra hai đề xuất trên. Tuy nhiên, đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn năm tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
2. Quy định giờ làm thêm
Một điểm mới của Luật lao động đó là quy định giờ làm thêm. Theo đó, dự thảo lần này mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm với hai phương án. Cụ thể, phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 400 giờ/năm. Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành (làm thêm giờ không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm)…
Theo Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần này, sẽ có 10 chính sách lớn, quan trọng được dự kiến thay đổi, điều chỉnh. Cụ thể, có một số nội dung quan trọng như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm thích ứng với xu hướng già hóa dân số và tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước; bảo đảm quyền tự do tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức bằng việc mở rộng quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động. Bên cạnh đó, mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động trên cơ sở sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu, các tiêu chí xác định tiền lương tối thiểu; tiếp tục thể chế chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thông qua từng bước mở rộng và tạo quyền tự chủ thực sự chủ động cho người sử dụng lao động và người lao động trong trả lương, mở rộng cơ hội và quyền của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả nhất; tăng cường năng lực của thanh tra lao động nhằm bảo vệ các quyền, nghĩa vụ của người lao động tại nơi làm việc…